Khai thác kiểu hủy diệt cổ linh chi
Gần đây, hàng trăm người dân ở các xã vùng núi Đại Lộc – Quảng Nam đã bỏ ruộng đồng đổ xô vào rừng săn tìm nấm cổ linh chi. Có nông dân bỗng chốc trở thành triệu phú chỉ sau vài ngày đi rừng nên nhiều người đã bất chấp hiểm nguy để đi tìm cơ hội làm giàu chóng vánh.
Hay tin anh Từ Thanh Quý ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc vừa “trúng” một cây nấm linh chi cổ nặng tới 71 kg, chúng tôi liền tìm đến. Quý cho biết trước đó, nghe người dân xôn xao bàn tán về chuyện nhiều thương lái đến Đại Lộc săn tìm nấm cổ linh chi với giá cực cao, anh bèn cùng 5 người trong làng bỏ việc đồng áng vào rừng.
“Sáu anh em chúng tôi đi hơn 2 ngày mới đến được khu rừng xa nhất ở núi Giằng, huyện Đông Giang – Quảng Nam. Trong 9 ngày đêm ở rừng, chúng tôi tìm được gần 200 kg nấm linh chi, đa số là loại 20 kg/cây trở lên. Trong đó, có một cây nặng nhất, tới 71 kg, chúng tôi phải đánh vật để đưa được nó ra khỏi rừng” – anh Quý nhớ lại. Anh Dũng, người cùng nhóm anh Quý, kể: “Chúng tôi phải cẩn thận từng chút một, nếu để một vết trầy xước ở bộ lông nhung trên bề mặt thì cây nấm chẳng còn đáng giá bao nhiêu”.
Quý cho biết nhóm của anh ra giá cây nấm cổ linh chi 71 kg này là 28 triệu đồng. Tuy họ “trúng mánh” nhưng chúng tôi thấy Quý và nhóm bạn dường như rất ngao ngán khi nói về chuyện này. Quý thổ lộ: “Có đi rồi mới biết gian khó thế nào. Giờ có cho tiền tôi cũng không đi nữa! Trong rừng sâu, chuyện đổ máu là thường, chẳng may sẩy chân một cái thì chỉ có nước chết”.
Cây nấm linh chi cổ nặng tới 71 kg do nhóm anh Quý tìm được hiện ra giá 28 triệu đồng
Chỉ cho tôi xem những vết thương vẫn còn tươm máu trên cánh tay do té ngã trong rừng, anh Từ Thanh Phú, em trai anh Quý, lắc đầu: “Nguy hiểm luôn rình rập nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà chúng tôi phải liều mình”.
Phú cho biết nấm cổ linh chi chủ yếu mọc trên cây chò cao 20-30 m. Người săn nấm phải leo lên từng cây tìm. Khi phát hiện và gỡ được nấm, họ phải cẩn thận buộc dây đưa xuống đất. “Nấm nhỏ còn dễ, loại đến 71 kg như cây chúng tôi “trúng” thì cực kỳ khó đưa xuống nếu muốn nó còn nguyên vẹn. Dù chưa có ai thiệt mạng do săn nấm cổ linh chi nhưng người gãy tay, gãy chân do té ngã từ trên cây cao xuống đất rồi trở thành tàn tật thì đầy rẫy” – Phú ngán ngẩm.
Chuyện nhóm của anh em Quý “trúng” nấm cổ linh chi càng kích thích nhiều người đổ xô vào rừng. “Không phải ai vào rừng cũng tìm được nấm. Rất nhiều người lặn lội hơn nửa tháng, người ngợm bầm giập hết mà vẫn phải về tay không” – Quý cho biết.
Theo ông Trương Công Trái, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, do thương lái cứ kéo đến Đại Lộc tìm mua nấm không ngớt nên địa phương lúc nào cũng xáo động. “Ở Đại Đồng, có thôn như Vĩnh Phước, Hà Nha…, gần như mọi người đều kéo nhau vào rừng săn nấm. Họ khai thác triệt để, bất kể nấm lớn hay nhỏ. Với cách khai thác kiểu tận diệt ấy, chỉ 1-2 năm nữa, loại nấm quý này sẽ bị tuyệt chủng” – ông Trái lo lắng.
Nhiều công dụng
Nấm linh chi cổ có nhiều kích cỡ, càng lớn giá càng cao vì sống lâu năm. Một cây linh chi nặng khoảng 30 kg có giá hơn 10 triệu đồng, trên 35 kg thì giá không dưới 25 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng nấm linh chi cổ quý nhất khi bộ lông nhung bao phủ trên bề mặt còn nguyên vẹn. Dù ở tuổi nào thì nấm linh chi cổ cũng có hình dáng, đường nét và màu sắc rất đẹp.
Bảo quản trong điều kiện khô ráo, linh chi cổ rất cứng và bền. Do vậy, nhiều “đại gia” đã lùng nấm linh chi cổ để chưng trong nhà như là cách khẳng định “đẳng cấp”.
Trong đông y, nấm linh chi thường được sử dụng như một vị thuốc bổ, giúp khí huyết lưu thông, thanh nhiệt…
Các hoạt chất trong nấm còn có tác dụng chống dị ứng, tăng cường miễn dịch, diệt tế bào ung thư, trị các bệnh liên quan đến tim mạch.
BS Từ Hải