Nghề hái nấm linh chi rừng
Linh chi đỏ (xích chi) và linh chi đen (hắc chi) là những sản vật quý hiếm có trong các cánh rừng của huyện Kbang-đây cũng là vùng duy nhất của tỉnh có loài nấm quý. Tặng vật của rừng này đã mang lại khoản thu nhập đáng kể cho người dân địa phương
Hai anh em người dân tộc Thổ Trương Ngọc Ninh (28 tuổi) và Trương Ngọc Tịnh (30 tuổi) được coi là những tay sành sỏi bậc nhất trong nghề hái nấm linh chi ở xã Sơn Lang. Cả một vùng rừng rộng hơn 15.000 ha của khu bảo tồn Kon Chư Răng nhưng họ thuộc như lòng bàn tay. Rừng rậm, dây leo và cây cỏ chằng chịt, muốn đi phải phát đường nhưng họ không bao giờ bị lạc.
Khả năng định hướng dựa vào những ngọn núi cao, cây cổ thụ khiến hai anh em còn hơn cả những chiếc máy định vị vệ tinh GPS hiện đại. Những cây nào đã và đang mọc linh chi ở khu vực này hai anh em đều biết rõ. Thông thạo rừng và nhiệt tình, nên khi chúng tôi ngỏ ý vào rừng hái nấm, ngần ngại nhưng Ninh và Tịnh cuối cùng cũng nhận lời.
Mùa mưa tháng 7 cũng là thời điểm gần cuối mùa linh chi. Để có thể tiếp cận với những cây nấm quý, chúng tôi phải vào tận vùng lõi của Khu bảo tồn Kon Chư Răng. Hai anh em Ninh dẫn những kẻ ưa mạo hiểm đến khu vực Trại Bò-nơi chăn thả gia súc lâu đời của người Bahnar trong rừng Kon Chư Răng, đây cũng là khu lán trại duy nhất của người dân trong vùng lõi khu bảo tồn này. Quãng đường ước chừng chỉ 15 km, nhưng để đến được đây, phải vượt cả chục ngọn núi cao, đánh vật với hàng trăm vũng lầy, mất hơn 2 giờ đi bằng xe máy.
Từ khu vực Trại Bò, bỏ lại xe máy, chúng tôi phải lội bộ giữa rừng cây cổ thụ của Khu bảo tồn Kon Chư Răng. Theo Ninh thì ở khu vực rừng này, linh chi mọc trên 3 loài cây chủ yếu là ràng ràng, de và dẻ. Đặc tính của chúng là chỉ mọc trên những cây đã chết đứng, không bao giờ mọc trên thân cây còn sống. Nếu cây chết đã ngã đổ cũng rất ít khi có linh chi, nếu có chỉ loe nghoe một hai tai nấm.
Trong 3 loại cây hay có nấm linh chi thì cây ràng ràng là linh chi ưa mọc nhất, có khi tới hàng trăm tai nấm chen nhau trên thân cây ràng ràng đã chết. Việc thu hái diễn ra trong nhiều năm, cho đến khi cây mục nát và ngã đổ. Khi thu hái, con người luôn để lại một phần chân nấm để có nguồn thu cho những mùa sau. Tịnh nói: “Chỉ cần để lại phần gốc, có mưa linh chi sẽ tiếp tục mọc lên, hoặc sau khi thu hái, chặt nhiều nhát vào thân cây-những chỗ nấm chưa mọc-năm sau ở những chỗ đó sẽ mọc những tai nấm mới”.
Hơn nửa ngày lội bộ trong vùng lõi khu bảo tồn, đôi chân chúng tôi như muốn rụng rời. Mọi người có vẻ đã thấm mệt. Chiến lợi phẩm cũng chỉ được vài ba tai linh chi đỏ. Tuy nhiên, suốt hành trình đi tìm loài nấm quý, anh em chàng trai người Thổ chỉ chúng tôi rất nhiều tai linh chi mới mọc, bé xíu như chiếc nấm rơm trên các thân cây chết, nhưng tuyệt không động vào, chỉ ngắm nghía đánh dấu. Ninh nói: “Đây là nguồn thu nhập chính của chúng tôi những năm sau, phải chờ chúng lớn mới có giá trị, nhiều người không biết hái cả nấm nhỏ rất phí”.
Nhưng nguy hiểm nhất với người đi rừng hái nấm là bất cứ khi nào cũng có thể gặp rắn độc, các loại bẫy thú như bẫy hầm, bẫy ngàm, bẫy rút của người đi săn”. Tuy nhiên, gắn bó với nghề hái nấm linh chi đã chục năm nay nên anh em Ninh có đủ kinh nghiệm để phát hiện những chỗ có bẫy để tránh. Tuy vậy, không ít người hái nấm đã dính bẫy, không thể tiếp tục công việc.
Dược liệu quý Nấm Linh Chi đi về đâu?
Mùa nấm linh chi cũng là mùa mua bán tấp nập của thương lái. Nấm Linh chi đỏ là loại nấm còn khá phổ biến trong những cánh rừng ở Kbang, giá bán khoảng 30.000-120.000 đồng mỗi kg tươi, tùy vào kích thước tai nấm nhỏ hay lớn. Còn loại Nấm linh chi đen thì số lượng ít hơn và giá bán cũng cao vượt trội với mức 300.000-500.000 đồng mỗi kg tươi. Sau khi mua và phơi khô (2 kg tươi được 1 kg khô), thương lái địa phương bán ra tại chỗ cho du khách với giá 150.000-400.000 đồng mỗi kg đối với linh chi đỏ và 1 triệu đồng-1,2 triệu đồng đối với linh chi đen.
Bà Cao Thị Hồng- thôn Điện Biên, một trong những thương lái đầu tiên ở xã Sơn Lang tiến hành mua nấm linh chi cho biết, bà bắt đầu mua linh chi hàng chục năm trước. Giá mua thời điểm đó chỉ 3.000-5.000 đồng/kg. Cao điểm là năm 2005 bà mua được hơn 1 tấn nấm linh chi (đã phơi khô), còn bình quân hàng năm mua khoảng 5-6 tạ. Bà kể: “Cây nấm linh chi lớn nhất tôi từng mua được nặng trên 15 kg, đó là vào năm 2007. Lẽ ra giá của nó chỉ 40.000 đồng/kg nhưng tôi đã mua cao gấp 10 lần, sau đó bán cho khách với giá 600.000 đồng/kg.
Những cây nấm to như thế hiện nay hầu như không còn. Khoảng 2 năm trở lại đây, nguồn linh chi đã cạn kiệt, nhiều lắm cũng chỉ mua được 1-2 tạ khô/năm”. Bà Hồng cũng cho biết, ngoài một số bán cho khách vãng lai thì toàn bộ linh chi mua được đều bán cho các đầu nậu ở thị trấn Ka Nak, rồi các đầu nậu này bán cho thương lái phía Bắc hoặc bán trực tiếp cho thương lái nước ngoài (chủ yếu là thương lái Trung Quốc).
Nơi mua bán nấm linh chi tấp nập nhất huyện Kbang hiện nay là trung tâm xã Sơn Lang. Tại đây có 5 cơ sở mua nấm, thu gom gần như toàn bộ lượng nấm bà con địa phương ở các xã phía Bắc của huyện như Đak Rong, Krong, Kon Pne thu hái được từ các cánh rừng Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng. Ông Nguyễn Văn Thành-chủ một cơ sở mua nấm linh chi tại trung tâm xã Sơn Lang cho biết, bình quân mỗi ngày ông mua được khoảng 20 kg nấm linh chi tươi, chủ yếu bán lại cho các cơ sở mua ngoài trung tâm huyện như Chín Mỹ, Toàn Hà. “Thỉnh thoảng, có cả thương lái người Trung Quốc đi cùng thương lái ở huyện vào xã mua với số lượng lớn”- ông nói.
Nếu các loại nấm linh chi ở Kbang được thu hái, chế biến và được phát triển thành thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, chúng có tiềm năng rất lớn để trở thành một thương phẩm có giá trị cao, vươn tới những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ mang lại khoản thu nhập gấp nhiều lần hiện nay cho người dân địa phương.
Theo Baogialai